pacman, rainbows, and roller s
Không bấm vùng phía trên kẻo mất tiền nhé!



CHƯƠNG 6
Làm ơn hãy ở nhà, làm ơn hãy ở nhà, làm ơn hãy ở nhà, tôi thầm cầu khẩn khi đứng chờ một người ra mở cửa sau khi tôi bấm chuông. Làm ơn, làm ơn, làm ơn, làm ơn...

Tôi không biết có phải có người đã nghe thấy lời cầu nguyện của mình không, hay đó chỉ là vì những nhà khảo cổ học không thường xuyên đi vắng cho lắm. Dù là gì đi nữa, người y tá trông coi Tiến sỹ Slaski ra mở cửa, anh ta dần nhận ra người đã nhấn chuông đầy cấp bách như thế là tôi.

“Ô, chào cô, Susan,” anh ta nói, nhớ nhầm tên tôi nhưng gương mặt đi kèm cái tên đó thì đúng. Gần như thế. “Cô đến tìm cậu Paul à? Theo như tôi biết thì cậu ấy vẫn đang ở trường – ”

“Tôi biết cậu ta vẫn ở trường,” tôi nói, vội vã bước vào khu sảnh nhà Slater trước khi người y tá đóng cửa lại. “Tôi không đến tìm Paul. Tôi ghé qua thăm ông nội cậu ta, nếu việc đó không phiền.”

“Ông nội cậu ta?” Người y tá tỏ vẻ hết sức ngạc nhiên. Mà sao lại không? Vì anh ta biết đã nhiều năm nay người bệnh mình đang chăm sóc chưa từng có cuộc chuyện trò tỉnh táo với ai bao giờ. Chỉ có điều, ông ta đã nói chuyện và rất tỉnh táo. Nói chuyện với tôi. Việc đó chỉ mới xảy ra cách đây mấy tháng.

“Cô biết đấy, Susan, ông của Paul không được... Ông ấy không được khoẻ cho lắm,” người y tá chậm rãi nói. “Chúng tôi không muốn nói điều đó trước mặt ông ấy, nhưng kếquả kiểm tra sức khoẻ gần đây nhất của ông ấy... không tốt. Thực ra, các bác sỹ cho rằng ông ấy không sống được lâu nữa...”

“Tôi chỉ muốn hỏi ông ấy một điều,” tôi nói. “Một câu hỏi ngắn gọn duy nhất. Sẽ chỉ mất vài giây thôi.”

“Nhưng mà...” Người y tá gãi gãi cằm, anh ta còn trẻ, mái tóc cháy nắng xoắn thành những dải dài cho thấy có lẽ thời gian rỗi anh ta chỉ toàn dành để đi lướt sóng. “Ý tôi muốn nói là, ông ấy không thể... không còn nói chuyện thường xuyên nữa. Bệnh Alzheimer mà, cô biết đấy...”

“Cho tôi thử một lần thôi được không?” tôi hỏi, mặc kệ mình đang ăn nói như đứa dở hơi. Tôi đang khao khát tuyệt vọng đến như thế đấy. Khao khát muốn có được những câu trả lời mà tôi biết trên đời này chỉ một người duy nhất có thể nói cho tôi. Và người đó lại đang ở ngay trên gác kia chứ chẳng xa xôi gì. “Đi mà? Có mất gì đâu, đúng không?”

“Đúng,” anh y tá chậm rãi nói. “Đúng. Chắc cũng không mất gì.”

“Hay quá,” tôi nói, đi lướt qua anh ta và bắt đầu leo lên cầu thang, bước hai bậc một lúc. “Tôi sẽ chỉ ở lại mấy phút thôi. Phiền anh cho chúng tôi nói chuyện riêng được chứ? Tôi sẽ gọi anh nếu ông ấy trông có vẻ cần được giúp đỡ.”

Anh y tá đóng cửa lại hơi có vẻ lơ đãng, và đáp: “Chắc là được. Nhưng... lúc này cô nên ở trường mới đúng chứ?”

“Bây giờ đang là giờ ăn trưa mà,” tôi vui vẻ nói với anh ta khi lên cầu thang, đi dọc theo hành lang, tiến về phía căn phòng của Tiến sỹ Slaski.

Tôi không nói dối. Đúng bây giờ là giờ ăn trưa thật. Còn chuyện chúng tôi lẽ ra không được phép ra khỏi trường vào giờ ăn trưa ấy à? Ừm, điều đó tôi thấy không quan trọng, chẳng cần nói đến làm gì. Phải chịu đựng một tràng mắng mỏ quát tháo của xơ Ernestine khi bà ta phát hiện ra tôi trốn học không khiến tôi lo lắng bằng việc tôi sắp phải giải thích với thằng Brad con dượng tôi vì sao tôi lại khẩn thiết cần chìa khoá của chiếc Land Rover đến thế. Chỉ vì thằng Brad lấy được bằng lái trước tôi đúng năm giây (thôi được rồi, thì lấy trước tôi mấy tuần vậy), thế là hình như nó cho rằng chiếc Land Rover cổ lỗ sĩ (vốn là xe của cả lũ) thuộc về riêng mình nó, và rằng chỉ nó mới được phép ngày ngày lái xe đưa hai bọn tôi, cộng với nhóc em David của nó, đến trường và về nhà.

Tôi đã phải viện đến hạ sách là nói “sản phẩm vệ sinh phụ nữ” và “ngăn chứa đồ trong xe” để nó chịu đưa chìa khoá. Chả biết nó sẽ làm gì nếu tôi không về kịp trước khi giờ ăn trưa thúc và nó phát hiện ra cái xe biến mất. Chắc chắn là “xì đểu” tôi rồi. Có vẻ đó là nguồn vui duy nhất của nó trên đời này hay sao ấy. Đáng buồn thay, tôi dường như chẳng bao giờ có thể ăn miếng trả miếng với nó, vì thằng Brad nói chung cũng chả làm gì quá đáng với tôi.

Dù gì đi nữa, tôi cũng sẽ không phí phạm khoảng thời gian ngắn ngủi quý báu ấy để mà lăn tăn xem Brad sẽ nói gì về chuyện tôi lấy xe đi. Thay vào đó, tôi vội vã chạy đến chỗ phòng ông nội tên Paul.

Như mọi khi, tivi đang bật kênh Game Show. Người y tá đã để xe lăn của Tiến sỹ Slaski ở phía trước màn hình tivi plasma. Tuy nhiên, ông Slaski thì lại có vẻ chẳng chú ý gì đến Bob Barker hết. Thay vì vậy, ông ta lại đang nhìn chằm chằm vào một điểm ở chính giữa sàn phòng lát đá bóng loáng. Nhưng điều đó chẳng lừa được tôi đâu.

“Tiến sỹ Slaski?” tôi cầm điều khiển và bật nhỏ tiếng tivi xuống, sau đó nhanh nhẹn bước đến bên ông tiến sỹ. “Tiến sỹ Slaski, cháu là Suze đây. Suze, bạn của Paul ấy mà? Cháu cần nói chuyện với ông một lát.”

Ông nội Paul không đáp. Trừ phi bạn gọi việc rỏ nước dãi xuống là một kiểu đáp.

“Tiến sỹ Slaski,” tôi nói, kéo một cái ghế lại để ngồi gần sát vào tai ông ta. Tôi không muốn người y tá nghe được chúng tôi nói chuyện, vậy nên tôi cố gắng nói thật nhỏ. “Tiến sỹ Slaski, y tá trông ông không có ở đây, cả Paul cũng thế. Chỉ có ông và cháu thôi. Cháu cần hỏi ông về một điều mà Paul đã nói với cháu. Về... ờ... những người làm cầu nối ấy mà. Điều đó quan trọng lắm.”

Ngay khi nghe thấy rằng cả Paul lẫn y tá đều không có ở đó, Tiến sỹ Slaski dường như thay đổi hẳn. Ông ta ngồi thẳng lên trên ghế, ngẩng đầu để có thể dán vào tôi cái nhìn chằm chằm bằng đôi mắt sưng phù. Nước dãi lập tức thôi chảy.

“À,” ông ta nói khi thấy tôi. Trông ông ta cũng chả vui vẻ hào hứng gì cho lắm. “Lại là cô.”

Tôi thấy điều đó không công bằng tí nào, lần trước khi chúng tôi nói chuyện, chính ông ta mới là người cố gắng đến tìm tôi đấy chứ... tìm tôi để nói một lời cảnh báo bí hiểm về đứa cháu nội của ông ta, cái kẻ ông ta so sánh với quỷ dữ, hay thật. Nhưng tôi quyết định cho qua điều đó.

“Vâng, là cháu đây, Tiến sỹ Slaski,” tôi nói. “Suze. Ông nghe này. Có chuyện về Paul.”

“Thằng nhãi ranh đó đang âm mưu gì?”

Rõ là ông Tiến sỹ Slaski đứa cháu nội chả yêu mến gì nhau.

“Không có gì,” tôi đáp. “Chưa có. Ít nhất thì cháu thấy như vậy. Cái quan trọng ở đây là điều cậu ta nói mình có thể làm được ấy ạ.”

“Vậy thì là gì?” Tiến sỹ Slaski hỏi. “Và đó nên là điều gì hay ho vào. Năm phút nữa là chiếu Gia đình Feud rồi.”

Lạy Chúa. Tôi tự hỏi, liệu rồi đến lúc cuối đời mình có phải gắn chặt vào cái xe lăn và nghiện xem những chương trình game show khi tôi ở vào tuổi như Tiến sỹ Slaski không đây? Bởi vì Tiến sỹ Slaski – hay Slater, như Paul vẫn muốn người khác nghĩ ông hắn tên như vậy – cũng là một người làm cầu nối như tôi, người đã đi đến tận cùng của thế giới để tìm kiếm câu trả lời cho cái tài năng kỳ lạ của mình. Rõ ràng ông ta đã tìm thấy đáp án trong những ngôi mộ cổ Ai Cập.

Rắc rối là ở chỗ, không ai chịu tin ông ta. Họ không tin có sự tồn tại của những người có nhiệm vụ duy nhất là dẫn đường cho linh hồn những người đã chết đi đến cái đích sau cùng, và tất nhiên cũng chẳng tin rằng ông ta, Tiến sỹ Slaski, là một trong số những người như thế. Những bài nghiên cứu của ông ta về đề tài đó (đa phần là tự ông ta đem ra xuất bản) đều bị giới khoa học và giới nghiên cứu coi thường, không thèm quan tâm, giờ thì những bài ấy đang nằm hít bụi trong đống hộp nhựa bên dưới giường ngủ của cháu nội ông ta.

Còn tệ hơn thế nữa, chính người nhà của Tiến sỹ Slaski dường như cũng cố xua ông ta cho vào ở cùng chỗ với đống tài liệu kia, dưới gầm giường ấy mà, rồi bố của Paul thậm chí còn quá đáng đến nỗi đổi cả họ tên để cắt đứt mối ràng buộc với ông cụ.

Bao nhiêu công sức bỏ ra như thế, mà Tiến sỹ Slaski được cái gì nào? Một căn bệnh vô phương cứu chữa và đứa cháu nội Paul làm bạn. Căn bệnh đó, theo như lời Tiến sỹ Slaski, là hậu quả của việc dành quá nhiều thời gian đến cái “vùng đất u tối” – nơi chuyển giao giữa thế giới này và thế giới bên kia. Còn Paul? Ừm, chính ông ta tự gây ra nghiệp chướng tên Paul đấy chứ.

Tôi nghĩ ông ta chán ghét loài người chắc là có lý do nào đó. Nhưng còn tại sao ông ta cảm thấy như thế đối với tên Paul thì tôi chỉ mới bắt đầu dần dần tìm hiểu.

Tôi cố gắng nói một cách từ tốn để chắc chắn ông ta hiểu hết được. “Paul nói rằng những người làm cầu nối – ”

“Những người chuyển dịch.” Tiến sỹ Slaski cứ khăng khăng cho rằng những người như ông ta, Paul, và tôi, phải được gọi là người chuyển dịch giữa hai thế giới mới đúng, vì chúng tôi có khả năng (trong trường hợp của tôi là khả năng mới được phát hiện) chuyển dịch giữa thế giới của người sống và của người chết. “Người chuyển dịch, ta đã nói với cô rồi. Đừng bắt ta phải nhắc lại nữa.”

“Những người chuyển dịch,” tôi tự chỉnh lại. “Paul nói rằng những người đó có khả năng đi xuyên thời gian.”

“Đúng thế,” Tiến sỹ Slaski nói. “Thì sao?”

Tôi há hốc miệng nhìn ông ta. Tôi không thể ghìm được. Nếu ông ta có dùng cái gậy piñata mà đánh vào sau đầu tôi đi nữa thì chắc tôi cũng không đến mức kinh ngạc như thế. “Ông... ông biết điều đó ư?”

“Đương nhiên là ta biết,” Tiến sỹ Slaski bực bội nói. “Vậy chứ cô nghĩ ai là người đã viết ra bài báo khiến thằng cháu ngu độn của ta biết được điều đó?”

Hậu quả của việc tôi không chú ý tập trung trong những buổi phụ đạo làm cầu nối với Paul đây mà. “Nhưng sao lúc trước ông không nói với cháu?”

Tiến sỹ Slaski nhìn tôi cực kỳ mỉa mai. “Cô có hỏi đâu,” ông ta đáp.

Tôi ngồi lù lù một đống ở đó, nhìn ông ta chằm chằm. Tôi không tài nào tin được điều này. Đã bao lâu nay... bao lâu nay tôi có thêm một khả năng khác nữa mà lại không hề hay biết. Nhưng tôi thì cần gì khả năng đi xuyên thời gian cơ chứ? Ừ, cũng có vài ngày mọi chuyện chả ra làm sao mà chắc là tôi muốn quay lại để thay đổi, nhưng ngoài điều đó ra thì...

Và rồi, một ý nghĩ loé lên trong tôi như một tia chớp.

Bố tôi. Tôi có thể quay lại quá khứ và cứu bố.

Không. Không, như vậy không được. Không thể nào. Bởi lẽ nếu điều đó là có thể... nếu như có thể...

Vậy thì tất cả sẽ thay đổi hoàn toàn. Tất cả mọi chuyện.

Tiến sỹ Slaski bật ho đầy khó nhọc. Tôi sực tỉnh, đặt tay lên vai ông ta. “Tiến sỹ Slaski? Ông không sao chứ?”

“Cô nghĩ sao?” Tiến sỹ Slaski hỏi, giọng nói kém phần tử tế. “Ta chỉ còn sống được sáu tháng nữa. Có thể không được chừng ấy thời gian nếu lũ bác sỹ chết tiệt đó tìm ra cách khác, tiếp tục bòn rút cuộc sống của ta. Cô nghĩ là ta không sao à?”

“Cháu...” Tôi biết mình ích kỷ, nhưng thời giờ đâu mà nghe chuyện bệnh tật của chứ. Tôi cần phải hiểu thêm về cái khả năng mà ông ta – và có thể là cả tôi nữa – đang có.

“Bằng cách nào?” tôi vội vã hỏi. “Làm sao ông làm được điều đó? Đi xuyên thời gian ấy mà?”

Tiến sỹ Slaski đưa mắt liếc cái tivi. May thay, trên đó vẫn đang chạy chữ những người làm chương trình Hãy chọn giá đúng. Gia đình Feud còn chưa chiếu.

“Dễ ợt,” ông ta nói. “Nếu thằng cháu ngu si của ta mà còn tìm hiểu ra được thì kẻ ngốc nào cũng có thể.”

Chúng tôi không còn nhiều thời gian. Gia đình Feud có thể bắt đầu bất cứ lúc nào. “Bằng cách nào?” tôi hỏi lại. “Bằng cách nào mới được?”

“Cô cần có một vật,” ông tiến sỹ nói, cố gắng hết sức kiên nhẫn như thể đang nói chuyện với một con nhóc năm tuổi. “Một thứ gì đó có từ thời mà cô đang muốn tới. Để đưa cô đến nơi.”

Tôi nghĩ đến bộ phim về đề tài du hành thời gian tôi đã xem. “Ví dụ như một đồng xu ạ?” tôi hỏi.

“Một đồng xu cũng được,” Tiến sỹ Slaski đáp, dù ông ta có vẻ hoài nghi. “Dĩ nhiên cô cần phải dùng đồng xu trước kia thuộc về một người cụ thể nào đó, người từng sống vào cái thời cô muốn tới, người thực sự đã từng đứng ở chỗ cô hiện đang đứng. Rồi cô cần chọn một vị trí sao cho lúc quay về hiện tại cô không tình cờ chạm mặt người lạ.”

“Ý ông là – ” tôi chớp mắt. “Ý ông muốn nói là, khi quay về quá khứ, toàn bộ con người đều đi theo? Chứ không chỉ có mỗi – ”

“Linh hồn chứ gì?” Tiến sỹ Slaski khịt mũi khinh khỉnh. “Lang thang ở một thế kỷ khác mà không có thân xác thì hay phải biết. Không, khi cô về quá khứ, toàn bộ thân xác lẫn linh hồn cô đều đi theo. Chính vì vậy cô cần phải thật tỉnh táo. Không phải cứ thích là nhảy bừa vào một thời gian, không gian khác được. Đừng có làm thế nếu cô muốn lục phủ ngũ tạng còn được tại vị. Cô phải đến đúng nơi người đó từng đứng, cầm trong tay món đồ trước kia thuộc về họ, rồi – ”

“Rồi sao?” tôi hỏi, nín cả thở.

“Nhắm mắt lại và chuyển dịch.” Tiến sỹ Slaski lại quay về phía tivi, chán ngán cuộc chuyện trò này rồi.

“Chỉ có vậy thôi sao?” Đúng là dễ thật. “Ý ông muốn nói, cháu chỉ cứ thế là đi xuyên thời gian, đến tìm bất cứ người nào cháu muốn?

“Đương nhiên là không,” Tiến sỹ Slaski đáp, mắt dán vào màn hình tivi. Ông ta như thể nghĩ lại và nói thêm: “Người đó dĩ nhiên phải là người đã chết. Và là người cô đã đưa đến thế giới bên kia. Ta chưa tìm hiểu được chính xác tại sao, nhưng việc đó bắt buộc phải có liên quan đến sự sống còn của người kia. Đó là cách thức để...” Giọng Tiến sỹ Slaski nhỏ dần rồi tắt hẳn, ông ta chìm đắm trong suy tư, nhớ lại công trình nghiên cứu cách đây mấy chục năm.

“Ý ông muốn nói...” tôi bối rối chớp mắt. “Chúng ta chỉ có thể quay lại quá khứ nếu như việc đó là để giúp đỡ một hồn ma?”

“Khôn ra rồi đấy,” Tiến sỹ Slaski dài giọng, lại quay về phía chiếc tivi.

Lần đầu tiên tôi không bận tâm đến câu mỉa mai của ông ta. Vì những hồn ma ư? Vì những hồn ma tôi có thể cứu được. Những hồn ma giống như...

... như bố tôi chẳng hạn.

Mà tôi thì lại có rất nhiều đồ dùng của bố trước kia. Tôi vẫn còn giữ chiếc áo bố đã mặc vào ngày bố mất. Tôi đã lấy nó trong đống đồ mà bệnh viện trả lại gia đình, giấu bên dưới gối hàng tháng trời sau khi bố mất... cho đến đúng cái ngày mà cuối cùng tôi cũng được gặp lại bố, khi bố hiện ra và giải thích cho tôi chính xác lý do vì sao tôi có thể nhìn thấy bố, còn mẹ thì không.

Tôi cứ tưởng mẹ không biết chuyện đó – chuyện cái áo ấy mà – nhưng giờ thì tôi hiểu, chắc chắn mẹ cũng biết. Chắc chắn mẹ đã nhìn thấy khi dọn giường cho tôi, hay lúc chơi trò cô tiên răng. Nhưng mẹ chưa bao giờ nói gì cả. Chính xác hơn là, mẹ không thể nói gì hết, vì mẹ cũng đã giữ lại tro của bố trong chiếc cốc vại uống bia mà bố vẫn thích, giữ hàng bao nhiêu năm trời cho đến ngay trước lễ cưới của mẹ và dượng Andy, khi ấy, cuối cùng hai mẹ con cũng có đủ dũng khí để đem tro rắc ở công viên nơi bố qua đời – cái công viên bố từng rất thích. Cái công viên nơi tôi cần phải đến nếu muốn quay về quá khứ để cứu bố, bởi lẽ căn hộ gia dình tôi từng ở đã được bán lại cho người khác, mà tôi thì cũng không thể cứ thế đến tìm những người chủ nhà mới rồi nói: “Cho phép cháu đứng trong phòng khách nhà cô chú một lát được không ạ? Cháu chỉ cần tạt về quá khứ một tí để cứu mạng bố cháu thôi mà.”

Dĩ nhiên, cả công viên lẫn căn hộ nhà tôi đều ở tít tận đầu kia đất nước. Nhưng tôi có để dành được ít tiền công trông trẻ. Có lẽ còn đủ để mua vé máy bay.... Tôi có thể làm được việc đó. Tôi hoàn toàn có thể cứu được bố để bố không phải chết.

“Còn gì nữa không ạ?” tôi hỏi Tiến sỹ Slaski và liếc một cái về phía tivi. Ơn Chúa, đang chiếu quảng cáo. “Khi đã có món... món đồ thuộc về hồn ma kia và đã đứng ở đúng nơi người đó từng đứng ấy? Rồi sau đó phải làm gì nữa ạ?”

Tiến sỹ Slaski có vẻ khó chịu. “Cô cầm lấy món đồ – nó sẽ đưa cô đến nơi – không cầm thêm thứ gì khác nữa. Điều đó quan trọng lắm. Cô không được chạm vào bất cứ thứ gì khác, nếu không cô sẽ mang cả nó theo cùng. Rồi cô hình dung ra người đó. Thế là đi thôi. Dễ như ăn cháo.” Tiến sỹ Slaski hất đầu về phía tivi. “Bật tiếng to lên. Freud sắp chiếu bây giờ đấy.”

Tôi không thể tin được là lại dễ đến thế. Chỉ cần có vậy là tôi có thể trở về quá khứ, cứu người tôi yêu thương tránh khỏi cái chết.

“Dĩ nhiên,” Tiến sỹ Slaski hờ hững nói, “một khi đã đến nơi rồi – nơi cô muốn đến ấy mà – thì phải cẩn trọng. Đừng có thay đổi những gì đã xảy ra... ít nhất thì đừng thay đổi quá nhiều. Cô phải cân nhắc thật cẩn thận những hậu quả do hành động của mình gây ra.”

Tôi không nói gì. Việc cứu sống bố thì có thể gây ra hậu quả gì? Ngoại trừ việc mẹ tôi, thay vì đêm nào cũng khóc ướt gối trong bao năm sau khi bố mất – thực ra mẹ vẫn khóc cho đến khi mẹ gặp dượng Andy – thì mẹ được hạnh phúc? Tôi cũng hạnh phúc?

Thế rồi tôi sực tỉnh. Dượng Andy. Nếu bố không chết thì mẹ sẽ không bao giờ gặp được dượng Andy. Hay có thể gặp, nhưng mẹ sẽ không bao giờ kết hôn với dượng cả.

Như thế chúng tôi sẽ không chuyển đến sống ở California. Và tôi không bao giờ được gặp Jesse.

Đột ngột, giờ tôi mới thấu hiểu hết ý nghĩa của những gì Tiến sỹ Slaski đã nói. “Ồ,” tôi đáp.

Cái nhìn của ông ta trở nên sắc nhọn – bất chấp căn bệnh tăng nhãn áp khiến cho đôi mắt xanh của ông ta mờ đục, nếu như không có căn bệnh ấy thì đôi mắt kia sẽ giống hệt với mắt Paul.

“Ta biết thế nào cũng sẽ có mấy câu ồ à,” ông ta nói. “Chuyển dịch xuyên thời gian chẳng phải là việc dễ dàng như cô tưởng, đúng không? Và cần nhớ kỹ một điều, càng ở lại lâu trong cái thời cô không thuộc về nó, thì khi trở lại hiện tại, cô càng mất nhiều thời gian để hồi phục,” Tiến sỹ Slaski nói thêm, không được thân mật cho lắm.

“Thời gian để hồi phục? Ý ông muốn nói như kiểu... việc đó khiến cháu bị đau đầu?” Cứ chuyển dịch là tôi lại bị thế đấy. Lần nào cũng vậy.

Tiến sỹ Slaski có vẻ đang buồn cười vì một lý do nào đó. Mắt ông ta không dán vào cái tivi, thế nên tôi biết đó là do cái điều tôi vừa mới nói. “Tệ hơn đau đầu một tí,” ông ta nói không chút cảm xúc, tay vỗ nhẹ lên tấm đệm đang ngồi. “Trừ phi ‘đau đầu’ là cách nói khác của cô để ám chỉ việc mất đi một lượng tế bào não đáng kể. Mà đó mới chỉ là tác hại ở mức thấp nhất trong số những gì có thể xảy ra với cô thôi đấy. Cứ chuyển dịch xuyên thời gian nhiều vào, rồi cô sẽ thành người thực vật trước cả khi đủ tuổi được phép uống bia, điều đó thì ta đảm bảo.”

“Paul có biết không ạ?” tôi hỏi. “Ý cháu là, biết về việc... mất đi tế bào não ấy?”

“Chắc là có,” Tiến sỹ Slaski nói, “nếu như nó đọc bài nghiên cứu của ta về vấn đề đó.”

Vậy mà hắn vẫn cứ muốn làm thử.

“Paul muốn quay về quá khứ làm gì nhỉ?” tôi hỏi. Chắc chắn động cơ thôi thúc hắn chả phải là vì muốn giúp đỡ ai đó, bởi lẽ kẻ duy nhất Paul Slater có hứng muốn giúp đỡ chỉ là... chính bản thân hắn mà thôi.

“Sao ta biết được?” Tiến sỹ Slaski trông có vẻ chán. “Ta chả hiểu sao cô tốn thời gian la cà bên cạnh thằng đó làm gì. Ta đã bảo với cô là nó chẳng tốt đẹp gì đâu. Giống y như bố nó vậy, nó hổ thẹn vì ta....”

Tôi không để ý đến bài nhiếc móc thằng cháu nội của ông Tiến sỹ Slaski. Tôi còn đang mải nghĩ. Tối hôm nọ, lúc ở trong sân sau nhà Gutierrez, Paul đã nói thế nào ấy nhỉ? Rằng hắn sẽ không giết Jesse...

... nhưng hắn có thể làm một việc để khiến cho Jesse không chết ngay từ lúc ban đầu.

Đến giây phút ấy, cuối cùng tôi cũng hiểu ra. Tôi đứng đó, trong phòng Tiến sỹ Slaski, còn ông ta vội vã vớ lấy cái điều khiến tivi, tìm được nút bấm điều chỉnh âm lượng, và quát lên: “Khốn kiếp, để lỡ mất đoạn đầu tiên rồi!”

Paul sẽ quay trở về quá khứ. Về thời Jesse từng sống.

Không phải để giết Jesse.

Mà là cứu mạng anh ấy.







Không bấm vùng phía dưới kẻo mất tiền nhé!